Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 7-3-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 7-3
Sự kiện trong nước
Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội – Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đông Dương. Ảnh: Tư liệu.
– Ngày 7-3-1929, tại nhà số 5D Hàm Long, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đông Dương được thành lập ở Hà Nội gồm các đồng chí: Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Tuân, Dương Hạc Đính. Đồng chí Trần Văn Cung (tức Nguyễn Quốc Anh) được cử làm Bí thư chi bộ.
Máy bay Pháp bị hủy diệt trong trận đánh “Cát Bi rực lửa” năm 1954. Ảnh: Tư liệu.
– Ngày 7-3-1954: Bộ đội ta tiến công sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Đêm 7-3-1954, tại sân bay Cát Bi, một đơn vị bộ đội ta gồm 32 người, do đồng chí Đặng Kinh chỉ huy đã bí mật vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc, đột nhập sân bay, phá hủy 59 máy bay, phần lớn là máy bay chiến đấu và vận tải hạng nặng của địch. Chiến công này đã làm cho quân Pháp thiệt hại nặng nề và gặp khó khăn trong việc tiếp tế ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng đường hàng không.
– Ngày 7-3-2001, Vùng CSB 3 được thành lập, đến ngày 3-10-2014 được nâng cấp thành Bộ tư lệnh Vùng CSB 3, là lực lượng chuyên trách của Nhà nước về thực thi pháp luật trên vùng biển từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ Bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh), bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và thềm lục địa phía Nam. Với nhiệm vụ được giao trên vùng biển rộng lớn, trải dài địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 luôn kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Từ những ngày mới thành lập, điều kiện doanh trại còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về ăn ở, đi lại, điều kiện công tác, tổ chức biên chế và phương tiện hoạt động. Nhưng với sự phấn đấu xây dựng, sau 21 năm Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 đã có bước phát triển quan trọng về tổ chức, biên chế và trang bị phương tiện, đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Trong những năm qua, Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 đã tổ chức hàng trăm chuyến tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, qua đó kiểm tra 1.821 lượt tàu, thuyền, xử lý 1.211 vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7 tỷ đồng; tặng 10.205 suất quà, 220 xe đạp, 600 suất học bổng, 15 ngàn cờ Tổ quốc, 5.000 áo phao, 160 bồn nước, 650 bình chữa cháy; 1.350 tủ thuốc, túi thuốc, cấp hơn 3.000m3 nước ngọt; khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.000 người dân với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba lên Quân kỳ Quyết thắng của Bộ tư lệnh Vùng CSB 3. Ảnh: canhsatbien.vn.
Để ghi nhận những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Trải qua 21 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 đã giành được nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Riêng năm 2012, hai tàu CSB 4031 thuộc Hải đội 301, CSB 4034 thuộc Hải đội 302 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh vây bắt cướp biển, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2016) và mới đây nhất là Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2021).
Sự kiện quốc tế
– Ngày 7-3-1618, Nhà thiên văn học, nhà toán học người Đức Johannes Kepler khám phá ra những định luật về chuyển động thiên thể.
– Ngày 7-3-1817, Sở giao dịch chứng khoán New York thành lập.
Tàu không gian Kepler. Ảnh: NASA.
– Ngày 7-3-2009, Tàu không gian Kepler được phóng lên vũ trụ.
Theo dấu chân Người
– Ngày 7-3-1946, tại Bắc bộ phủ, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại diện của Pháp để bàn việc triển khai bản Hiệp định Sơ bộ vừa ký ngày hôm trước, đặt vấn đề cuộc hội đàm chính thức được tổ chức tại Pari và đến đầu giờ buổi chiều đó đạt được thoả thuận với G.Xanhtơni sẽ cùng ký dưới một thông báo chung để bố cáo rộng rãi nội dung bản hiệp định và nêu rõ: Việc đầu tiên thực hiện Hiệp định sơ bộ là chấm dứt mọi cuộc xung đột trên lãnh thổ Đông Dương, 24 giờ sau khi bản thông báo này được phát đi trên các làn sóng đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Sài Gòn.
16 giờ cùng ngày hôm đó, Bác dự cuộc mít tính lớn của đông đảo nhân dân Hà Nội để giải thích về bản hiệp định vừa ký kết. Sau phát biểu của Võ Nguyên Giáp khẳng định: Tư tưởng chỉ đạo, mục đích của Chính phủ là hoà bình vì tiến bộ.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng: “Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng Tám 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị… Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật ”. Cuối cùng, vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố: Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bán nước!. Cùng ngày, Bác ký giấy uỷ nhiệm cho các phái viên đặc biệt của Chính phủ vào Nam bộ để giải thích và thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3.
– Ngày 7-3-1947, trong thư gửi các ông Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây, Bác viết: “Dù gay go mấy, chúng ta cũng không sợ, không hoang mang, vì chúng ta đã biết trước những sự gay go khốn nạn đó. Vì chúng ta tự tin đủ sức khắc phục nó. Và vì chúng ta chắc thắng lợi cuối cùng sẽ về tay ta”.
Bác Hồ với các đại biểu Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, năm 1951. Ảnh: Tư liệu.
– Ngày 7-3-1951, tại phiên bế mạc Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt, Bác được bầu làm Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam.
– Ngày 7-3-1959, tại thủ đô Jakarta, Bác đón nhận từ Tổng thống Indonesia tấm “Huân chương Du kích” với lời đáp từ: “Hai dân tộc chúng ta đã làm cho thế giới thấy rằng, với lực lượng đoàn kết của toàn dân, thì dù với vũ khí thô sơ, chúng ta cũng đánh thắng thực dân đế quốc”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy Ngày này năm xưa
“… Phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt”.
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác Thủy lợi năm 1959, ngày 7 tháng 3 năm 1960.
Lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng mang giá trị tư tưởng cao, tính giáo dục lớn, không chỉ bó hẹp ở công tác thủy lợi mà trên mọi mặt công tác nói chung, phải biết lấy dân làm gốc, tin ở dân, gần gũi dân, biết dựa vào dân. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất, trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bản đồ thủy lợi của huyện Thuận Thành – Bắc Ninh, ngày 16-10-1958. Ảnh: Tư liệu.
Vận dụng lời dạy của Bác trong quá trình đổi mới hiện nay, Đảng ta tiếp tục phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để vượt qua khó khăn, đưa đất nước đi vào ổn định và phát triển. Những thành tựu đất nước đạt được trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng của sức mạnh quần chúng nhân dân. Quá trình đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có nhân dân tham gia, nhân dân đồng tình hưởng ứng để tạo thành một sức mạnh tổng hợp của sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thấm nhuần lời Bác dạy, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành Quân đội ta đã khẳng định đoàn kết quân dân là một trong những nguồn gốc quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường sức mạnh của quân đội, không chỉ có ý nghĩa, giá trị trong lịch sử, mà còn được vận dụng trong điều kiện mới. Mọi chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ huy phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, nguyện vọng của quần chúng. Đẩy mạnh tuyên tuyền vận động quần chúng tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2083 ngày 7-03-1967 có đăng “Thư Hồ Chủ tịch gửi thư khen quân và dân Thanh Hóa”.
HỒ CHỦ TỊCH
gửi thư khen quân và dân Thanh Hóa
Hà nội, ngày 6 tháng 3 năm 1967
Thân ái gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Thanh-hóa
Ngày 1-3-1967, quân và dân Thanh-hóa đã đánh giỏi, bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.700 và 1.701 của giặc Mỹ. Trước đó, ngày 26-2 Thanh Hóa đã bắn cháy 1 tàu chiến Mỹ.
Đến nay, Thanh Hóa đã bắn rơi 192 chiếc máy bay giặc Mỹ. Đó là thắng lợi chung của đồng bào cả nước, và vinh dự riêng của quân và dân Thanh-hóa.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác khen ngợi đồng bào, cán bộ và bộ đội tỉnh ta đã đoàn kết chặt chẽ, vượt mọi khó khăn, anh dũng chiến đấu và đã thắng lợi vẻ vang.
Nhân dịp này, Bác lại dặn quân và dân Thanh-hóa chớ vì thắng lợi mà chủ quan. Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, ra sức thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, đẩy mạnh hơn nữa công tác giao thông vận tải, hết sức làm tốt việc phòng không nhân dân. Cố gắng giành nhiều thắng lợi hơn nữa.
Chào thân ái và quyết thắng,
BÁC HỒ
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2083 ngày 7-03-1967. Ảnh: Qdnd.vn
TRẦN HUYỀN (Tổng hợp)