THỦ THUẬT ĐẶT CATHETER TĨNH MẠCH TRUNG TÂM VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

bởi

trong

THỦ THUẬT ĐẶT CATHETER TĨNH MẠCH TRUNG TÂM VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm được chỉ định đối với những bệnh nhân điều trị hồi sức cấp cứu, trong hoặc sau quá trình phẫu thuật. Đây là những đối tượng cần truyền một khối lượng dịch lớn nhưng tĩnh mạch ngoại biên không thể đáp ứng đủ.

Catheter Tĩnh mạch trung tâm là gì?

Thuật ngữ “catheter” dùng để chỉ một loại ống thông dài, dài, được làm từ chất liệu nhựa mỏng và dẻo. Catheter có tác dụng dùng để truyền thuốc, dịch, các chất dinh dưỡng hoặc máu vào tĩnh mạch của bệnh nhân trong một khoảng thời gian dài có thể vài ngày cho đến vài tuần.

Thủ thuật đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm là gì?

Đây là thủ thuật luồn catheter từ các tĩnh mạch ở cổ hoặc ngực sao cho đầu tận cùng catheter nằm ở tĩnh mạch trung tâm gần tim. Hiện nay, thủ thuật đặt Catheter hay được thực hiện tại các khoa. Hồi sức tích cực, Cấp cứu của những bệnh viện lớn.

Chỉ định thực hiện thủ thuật Catheter Tĩnh mạch trung tâm

Đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm thường được thực hiện tại các khoa Hồi sức tích cực, được chỉ định trong các trường hợp sau:

– Để dùng thuốc vận mạch, nuôi dưỡng hoàn toàn theo đường tĩnh mạch hoặc dùng các thuốc khác phải dùng theo đường tĩnh mạch trung tâm

– Để theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm

– Cần truyền nhanh các chế phẩm máu hoặc dịch với thể tích lớn

– Cần đặt một đường truyền cấp cứu.

Chống chỉ định đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm

Đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm là một thủ thuật xâm lấn, vì vậy có những chống chỉ định sau:

– Tiểu cầu dưới 60.000/mm3

– Rối loạn đông máu

– Huyết khối tĩnh mạch trung tâm

Đặt catheter Tĩnh mạch trung tâm cần chuẩn bị những gì?

1. Nhân viên y tế

– Người thực hiện chính: 01 bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu

– Người thực hiện phụ: 01 bác sĩ điều trị, 01 điều dưỡng

2. Người bệnh và người nhà

– Người bệnh và người nhà cần được giải thích kỹ về kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm. Thủ thuật chỉ được thực hiện khi được sự đồng ý của người bệnh, người nhà và cóp giấy cam kết đồng ý can thiệp thủ thuật

– Chẩn bị hồ sơ bệnh án, kẹp Monitor theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, spO2 của bệnh nhân

– Bệnh nhân cần phải được sát khuẩn sạch vùng làm thủ thuật: 2 lần sát khuẩn Betadine, 1 lần sát khuẩn bằng cồn iot

– Nằm ngửa, kê cao vai, nghiêng đầu sang bên đối diện với bên chọc kim.

3. Dụng cụ

Bộ catheter ba nòng hoặc hai nòng

Bộ tiểu phẫu

Bơm kim tiêm 5ml, 10ml

Thuốc tê tại chỗ: lidocain 40 mg

Kim, chỉ 2.0 để cố định catheter

Một lọ dung dịch NaCl 0,9% và một bộ dây truyền dịch

Betadine 10% để sát khuẩn tại chỗ

Phân loại kỹ thuật đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm

Có 3 phương pháp đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm được thực hiện phổ biến hiện nay:

– Catheter Tĩnh mạch trung tâm đặt đường cao

– Catheter Tĩnh mạch trung tâm đặt đường Daily

– Catheter Tĩnh mạch trung tâm đặt dưới đòn

Quy trình thực hiện thủ thuật đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm

Quy trình hướng dẫn sau đây dành cho thủ thuật đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm theo phương phát Seldinger.

1. Catheter Tĩnh mạch trung tâm đặt đường cao

Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế Trendelenburg, quay đầu bệnh nhân 45 độ về phía đối diện với bên đặt catheter

– Mặc áo mổ, đi găng vô khuẩn, đeo khẩu trang, mặt nạ che mặt, đội mũ che kín tóc

– Làm sạch da bằng dung dịch sát khuẩn

– Sử dụng xăng vô khuẩn phủ toàn bộ bệnh nhân, một xăng vo khuẩn có lỗ bộc lộ vùng cần đặt catheter

– Bơm trách dịch vào tất cả các cổng catheter để đảm bảo catheter có hoạt động chức năng thích hợp

Xác định vị trí chọc kim tại giao điểm giữa đường ngang qua sụn giáp và bờ trước cơ ức đòn chũm.

– Gây tê tại chỗ chọc kim bằng Lidocain

– Bắt mạch cảnh. Chọc kim thăm dò vào vị trí xác định theo hướng về phía núm vú cùng bên, nghiêng so với bề mặt da 300- 450 , mặt vát của kim hướng lên trên, vừa đẩy kim vừa hút chân không đến khi có máu đen thì dừng. Nếu không thấy có máu trào vào bơm kim tiêm, rút kim ra và thay đổi góc chọc. Nếu chọc phải động mạch cảnh (hút ra máu đỏ tươi và/hoặc máu trào ra theo mạch đập), rút bỏ kim và ép giữ cầm máu trong vòng 5 phút. Khi đã thăm dò chính xác, cần ghi nhớ góc chọc và chiều sâu của kim.

– Theo cùng vị trí, góc chọc và chiều sâu của kim thăm dò, luồn kim dẫn tới khi thấy máu tĩnh mạch. Giữ chắc kim, rút bỏ bơm tiêm ra khỏi kim và luồn gite qua kim vào trong lòng mạch, rút kim. Dây dẫn cần được luồn dễ dàng mà không có cản trở gì. Nếu luồn dây dẫn khó khăn, cần rút bỏ dây dẫn, dùng bơm tiêm hút lại máu thăm dò để đảm bảo kim dẫn vẫn ở trong lòng mạch

– Dùng que nong để nong đường dẫn vào mạch máu và rút bỏ bộ nong

– Luồn catheter theo đường dây dẫn. Khi catheter đã tới gần vị trí chọc kim qua da, kéo nhẹ dân dẫn ra ngoài tới khi một đầu dây lòi ra cổng xa của catheter. Luồn catheter vào tới chiều dài phù hợp

– Giữ catheter tại vị trí và rút bỏ dây dẫn.

– Tráng rửa tất cả các cổng của catheter để đãm bảo chúng vẫn hoạt động tốt

– Cố định catheter bằng các mũi khâu hình túi

– Khử khuẩn lại chân catheter và băng vô trùng

– Kiểm tra catheter bằng phim X-quang ngực.

2. Catheter Tĩnh mạch trung tâm đặt đường Daily

– Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế Trendelenburg, quay đầu bệnh nhân 45 độ về phía đối diện với bên đặt catheter

– Mặc áo mổ, đi găng vô khuẩn, đeo khẩu trang, mặt nạ che mặt, đội mũ che kín tóc

– Làm sạch da bằng dung dịch sát khuẩn

– Sử dụng xăng vô khuẩn phủ toàn bộ bệnh nhân, một xăng vo khuẩn có lỗ bộc lộ vùng cần đặt catheter

– Bơm trách dịch vào tất cả các cổng catheter để đảm bảo catheter có hoạt động chức năng thích hợp

– Xác định vị trí chọc tại đỉnh của tam giác Sedillot: hai cạnh là hai bờ của nhánh bám xương đòn và xương ức cạnh còn lại là bờ trên của xương đòn

Sau khi đã xác định được vị trí chọc, cách bước sau tiến hành tương tự như catheter đặt đường cao.

3. Catheter Tĩnh mạch trung tâm đặt dưới đòn

Quy trình tiến hành đặt catheter Tĩnh mạch dưới đòn tương tự với 2 kỹ thuật trên, tuy nhiên khác nhau ở vị trí chọc. Đối với đặt Catheter Tĩnh mạch trung tâm đặt dưới đòn, vị trí chọc sẽ ở điểm giữa 1/3 trong và 2/3 ngoài xương đòn.

Chăm sóc catheter đúng cách

Catheter Tĩnh mạch trung tâm là một thủ thuật xâm lấn, vì vậy việc chăm sóc đúng cách rất quan trọng

– Chụp X-quang phổi, xác định vị trí catheter đã chính xã chưa.

– Kiểm tra chân catheter hàng ngày.

– Thay băng, gạc 2 – 3 ngày một lần.

Những biến chứng thường gặp và cách xử trí

– Nhiễm trùng vị trí chọc và nhiễm khuẩn huyết liên quan: rút catheter, cấy đầu catheter, điều trị kháng sinh sớm.

– Tràn khí, tràn dịch, tràn máu màng phổi: rút catheter, mở màng phổi tối thiểu hút dẫn lưu khí, dịch, máu màng phổi.

– Tắc catheter: hút thông catheter, nếu không được xem xét đến việc rút catheter.

Về tổng thể, tỷ lệ biến chứng có liên quan tới vị trí đặt catheter qua da trong đó đặt qua tĩnh mạch cảnh trong có tỷ lệ biến chứng cao hơn so với đặt catheter dưới đòn.

Bệnh viện Phổi Trung Ương là một trong những bệnh viện tuyến Trung Ương có số lượng bệnh nhân hồi sức cấp cứu lớn. Thủ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm được thực hiện rất thường xuyên tại 2 khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực. Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, việc thực hiện thủ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm thành tạo và đội ngũ điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân được thực hiện thủ thuật. Bên cạnh đó còn có cơ sở vật chất hỗ trợ tối đa cho việc thực hiện kỹ thuật đặt catheter như máy siêu âm, cũng như thiết bị để sẵn sàng xử trí những tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện thủ thuật một cách kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. Hồi sức cấp cứu tiếp cận theo phác đồ (Khoa Cấp cức A9-Bệnh viện Bạch Mai, 2012)