Khi nào cần phẫu thuật ung thư vú? Chỉ định, quy trình và chăm sóc

bởi

trong

Tổ chức ghi nhận Ung thư thế giới GLOBOCAN thống kê năm 2020 ước tính thế giới có khoảng hơn 2,2 triệu ca ung thư vú mới mắc ở nữ và 680.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, đây là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới với hơn 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong [1]. Vậy phẫu thuật ung thư vú được chỉ định, quy trình và chi phí như thế nào? Bài viết này được ThS. BS Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về vấn đề liên quan phẫu thuật ung thư vú.

phẫu thuật ung thư vú

Phẫu thuật ung thư vú là gì?

Phẫu thuật ung thư vú là phương pháp điều trị chính dành cho ung thư vú giai đoạn sớm, bao gồm phẫu thuật bảo tồn vú (cắt bỏ khối u và một phần mô vú xung quanh khối u) và phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú (đoạn nhũ). Ngoài ra, còn có một số phẫu thuật được áp dụng để điều trị ung thư vú như sinh thiết hạch gác cửa, phẫu thuật tái tạo (tạo lại tuyến vú sau khi cắt bỏ) hoặc sinh thiết những nơi nghi ngờ di căn (hạch nách, hạch trên đòn, mô mềm…).

Tại sao cần phẫu thuật ung thư vú?

Cần phẫu thuật ung thư vú vì:

  • Phẫu thuật giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh ung thư đang tiến triển (đoạn nhũ làm sạch).
  • Phẫu thuật nhằm kiểm tra ung thư đã lan đến các bộ phận khác chưa, chẳng hạn như hạch nách.
  • Phẫu thuật để loại bỏ tất cả khối u ung thư ra khỏi cơ thể.

Đối tượng được chỉ định phẫu thuật ung thư vú?

  • Ung thư biểu mô ống xâm lấn: đây là loại ung thư vú phổ biến nhất. Bệnh còn có tên gọi khác là ung thư biểu mô ống dẫn sữa xâm lấn. Ung thư bắt đầu từ ống dẫn sữa và lan đến các mô xung quanh. Bệnh di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua hệ bạch huyết và đường máu.
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn: đây là loại phổ biến thứ hai sau ung thư biểu mô ống xâm lấn. Nó bắt đầu trong các thùy hoặc tiểu thùy, rồi di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Phần bên ngoài của bầu vú dày lên. Ung thư này thường dương tính với thụ thể estrogen và progesterone nên có thể điều trị thành công bằng liệu pháp hormone.
  • Ung thư vú bộ ba âm tính: là ung thư vú có thụ thể estrogen, progesterone và HER2 âm tính. Vì vậy, bệnh không thể được điều trị bằng liệu pháp hormone hoặc các liệu pháp nhắm đến HER2. Dù loại này tiến triển nhanh nhưng vẫn có thể điều trị bằng các phương pháp khác như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và miễn dịch.
  • Ung thư vú dạng viêm: ung thư này hiếm gặp nhưng là loại ung thư vú xâm lấn. Đây là một tình trạng ung thư vú tiến triển nhanh. Các dấu hiệu bao gồm sưng, đỏ, da vú lõm hoặc nhăn, núm vú thụt vào trong. Tình trạng này xảy ra nhanh chóng trong nhiều tuần hoặc tháng. Ngoài ra, bệnh còn dẫn đến tắc mạch bạch huyết ở vùng da vú, xuất hiện trên diện rộng như một mảng hơn như là khối u.
  • Bệnh Paget vú: bệnh thay đổi màu da núm vú giống bệnh chàm (eczema). Biểu hiện bệnh gồm ngứa, đóng vảy, rỉ dịch núm vú. Nếu có các triệu chứng này, người bệnh có 90% nguy cơ tiềm ẩn ung thư vú. Bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt thường gặp ở phụ nữ 50 tuổi. [2]
  • Được chẩn đoán nguy cơ ung thư vú cao: phụ nữ mang một số đột biến gen trong DNA dẫn tới 85% khả năng mắc ung thư vú gồm BRCA1, BRCA2, p53 và PTEN. Trường hợp này, phương pháp ngừa ung thư là phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng giúp giảm khoảng 90% nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ nhỏ mắc ung thư vú vì còn sót lại một ít tế bào tuyến vú sau phẫu thuật. [3]
mổ ung thư vú có nguy hiểm không
Ung thư biểu mô ống xâm lấn là loại ung thư vú phổ biến nhất.

Các phương pháp mổ ung thư vú hiện nay

Hai phương pháp phẫu thuật ung thư vú chính được sử dụng để điều trị là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú và cắt bỏ khối u kèm một phần mô vú lành xung quanh khối u. Một số phẫu thuật khác có thể bao gồm nạo hạch nách, sinh thiết hạch gác cửa và phẫu thuật tái tạo vú.

1. Cắt bỏ vú (đoạn nhũ)

Trước đây, đây là phẫu thuật phổ biến nhất với bệnh ung thư vú. Bởi vì, phẫu thuật cắt bỏ vú có thể được áp dụng để điều trị cả ung thư vú giai đoạn trễ và giai đoạn sớm. Ngoài ra, một số người có nguy cơ cao sẽ mắc ung thư vú trong tương lai cũng chọn phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng như một biện pháp phòng ngừa.

Các loại phẫu thuật cắt bỏ vú bao gồm:

  • Cắt bỏ toàn bộ vú: phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú của người bệnh, giữ lại cơ ngực bên dưới.
  • Cắt bỏ cả hai vú: phẫu thuật này thực hiện nếu ung thư xảy ra ở cả hai vú hoặc có thể là một biện pháp phòng ngừa dành cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư vú.
  • Phẫu thuật cắt bỏ vú chừa da hoặc chừa núm vú: loại bỏ tất cả các mô vú, giữ lại da và cả núm vú (nếu có thể) để sử dụng cho tái tạo lại vú.
  • Phẫu thuật cắt bỏ vú tận gốc biến đổi: loại bỏ mô vú và các hạch bạch huyết dưới cánh tay. Các hạch bạch huyết thường là nơi đầu tiên ung thư vú di căn đến.
  • Phẫu thuật cắt bỏ vú tận gốc: đây là phẫu thuật cắt bỏ vú, hạch bạch huyết dưới cánh tay và cơ ngực. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật này ít được sử dụng, chỉ cần thiết khi ung thư vú đã xâm lấn vào cơ ngực của người bệnh.
sau phẫu thuật ung thư vú
Hai loại phẫu thuật ung thư vú phổ biến là phẫu thuật cắt bỏ vú và phẫu thuật bảo tồn.

2. Cắt bỏ khối u (phẫu thuật bảo tồn)

Phẫu thuật cắt bỏ khối u được gọi là phẫu thuật bảo tồn vú. Nó chỉ loại bỏ một phần mô vú xung quanh khối u của người bệnh. Đây là một lựa chọn thay thế để điều trị ung thư vú giai đoạn sớm. Khi khối u tương đối nhỏ và chưa lan rộng, người bệnh chỉ phẫu thuật để loại bỏ khối u. Ngoài ra, phẫu thuật này cũng loại bỏ một phần rìa của mô xung quanh, đảm bảo không còn tế bào ung thư trong vú của người bệnh.

Lợi ích của phẫu thuật cắt bỏ khối u là cho phép giữ lại phần lớn thể tích vú. Nhưng để ngăn ung thư trở lại, cần phải xạ trị sau mổ. Thay vào đó, nếu người bệnh không muốn xạ trị sau mổ có thể lựa chọn giải pháp cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Tuy nhiên, một số trường hợp, cho dù cắt bỏ toàn bộ tuyến vú cũng cần phải xạ trị sau mổ.

Các hình thức cắt bỏ khối u bao gồm:

  • Phẫu thuật sinh thiết trọn: đây là thủ thuật cắt trọn khối u để làm sinh thiết. Phân tích khối u trong phòng thí nghiệm có thể giúp xác định xem khối u có phải ung thư hay không.
  • Cắt rộng quanh khối u: phẫu thuật để loại bỏ khối ung thư và một phần mô vú xung quanh nó. Rìa cắt bỏ sẽ được kiểm tra để đảm bảo nó không còn tế bào ung thư.
  • Cắt bỏ phần tư vú: phẫu thuật cắt bỏ khoảng một phần tư thể tích vú gồm cả hệ thống ống tiểu thùy của người bệnh. Áp dụng khi hình ảnh cho thấy khối u có lan rộng theo ống dẫn sữa.
  • Cắt lại rìa dương tính: Một quy trình thực hiện theo các bước cắt bỏ ban đầu của khối u và rìa mô xung quanh nó. Khi rìa vết mổ ung thư vú được xét nghiệm còn tế bào ung thư, bác sĩ sẽ cắt thêm chỗ này cho đến khi không còn tế bào ung thư.
  • Đánh giá hạch có di căn không: hệ thống hạch bạch huyết thường là nơi đầu tiên ung thư lây lan tới. Ung thư ở các hạch này có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ lan ra các cơ quan khác ngoài vú. Để tìm hiểu, bác sĩ có thể lấy và phân tích một hoặc một số hạch bạch huyết ở nách cùng bên vú bệnh. Đây là nơi các tế bào ung thư vú có nhiều khả năng di căn nhất.

Phẫu thuật trên hạch bạch huyết gồm:

  • Sinh thiết hạch gác cửa: đây là một thủ tục để kiểm tra xem ung thư đã lan đến hệ thống bạch huyết hay chưa. Hạch gác cửa – nơi đầu tiên nhận dịch dẫn lưu theo mạch bạch huyết từ vú đến. Bác sĩ thường sẽ thực hiện sinh thiết hạch gác cửa cùng trong cuộc mổ cắt bỏ tuyến vú hay cắt bỏ khối u vú. Bác sĩ phẫu thuật sẽ gửi các hạch lấy được đến phòng xét nghiệm để xem hạch có di căn hay không. Nếu hạch có di căn bác sĩ sẽ nạo vét toàn bộ hạch nách.
  • Nạo vét hạch bạch huyết ở nách: Nếu kết quả sinh thiết hạch gác cửa cho kết quả dương tính với ung thư hoặc nếu bác sĩ có lý do khác để tin rằng người bệnh có nguy cơ cao ung thư di căn đến hạch nách, bác sĩ sẽ nạo vét toàn bộ hạch nách cùng bên với vú ung thư.
  • Phẫu thuật tái tạo vú: Nếu người bệnh cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ vú để điều trị ung thư vú, người bệnh có thể quan tâm đến phẫu thuật tái tạo để khôi phục lại hình dạng vú. Bác sĩ thường có thể tạo lại vú bằng các kỹ thuật phẫu thuật tạo hình ngay sau khi cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ vú. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện các phẫu thuật riêng sau khi người bệnh kết thúc xạ trị, hóa trị và các mô đã có thời gian để hồi phục.

Bất kể phẫu thuật tái tạo vú tức thì trong cùng cuộc mổ cắt bỏ vú hoặc trì hoãn sau khi đã hoàn tất quá trình điều trị ung thư vú, người bệnh cũng có thể cần một hoặc vài cuộc phẫu thuật tiếp theo để chỉnh sửa nhằm đạt được kết quả thẩm mỹ tốt nhất.

Ví dụ, các cuộc phẫu thuật tiếp theo để điều chỉnh sự cân bằng và kích thước giữa hai bầu ngực hoặc thêm một núm vú được tái tạo. Việc tái tạo vú có thể sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau và diễn ra theo từng giai đoạn. Bác sĩ và người bệnh sẽ xác định phương pháp và thời gian phù hợp dựa trên tình trạng và sở thích của người bệnh.

Các phương pháp tái tạo vú gồm:

  • Tái tạo bằng túi độn: túi ngực thay thế cho phần mô tuyến vú đã bị cắt bỏ để khôi phục hình dạng và thể tích của nó. Túi độn ngực bao gồm một vỏ silicon chứa đầy nước muối hoặc gel silicon. Bác sĩ đặt nó lên trên hoặc dưới cơ ngực và che phủ bằng da – da vú ban đầu hoặc da ghép từ một bộ phận khác trên cơ thể của người bệnh.
  • Tái tạo bằng mô tự thân: phương pháp lấy mô từ một bộ phận khác trên cơ thể người bệnh rồi tái tạo lại vú. Da, mỡ và có thể cơ được lấy từ những vùng như bụng, lưng hoặc mông vì chúng mềm mại và cho cảm nhận giống với mô vú. Đôi khi các bác sĩ kết hợp tái tạo bằng mô tự thân và túi ngực để có kết quả thẩm mỹ tốt hơn.
  • Tái tạo núm vú: thông thường, núm vú được giữ lại trong quá trình cắt bỏ tuyến vú hoặc cắt bỏ khối u. Với trường hợp không thể giữ lại núm vú, bác sĩ sẽ tái tạo núm vú sau khi tái tạo tuyến vú để vú tái tạo có hình dạng đẹp hơn. Điều này có thể được thực hiện trong một cuộc phẫu thuật tiếp theo sau khi tái tạo vú.

Quy trình phẫu thuật ung thư vú

1. Chuẩn bị trước khi phẫu thuật

Bác sĩ sẽ thảo luận chi tiết về tình trạng của người bệnh, các lựa chọn điều trị và tái tạo vú trước khi lên kế hoạch phẫu thuật. Kế hoạch này gồm: phẫu thuật cắt bỏ vú, liệu pháp điều trị ung thư bổ sung và phẫu thuật thẩm mỹ.

chi phí phẫu thuật ung thư vú
Bác sĩ sẽ thảo luận chi tiết về tình trạng bệnh điều trị và tái tạo vú trước phẫu thuật.

2. Thực hiện phẫu thuật ung thư vú

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật ung thư vú gồm các bước:

  • Đầu tiên, bác sĩ sẽ gây mê toàn thân cho người bệnh ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.
  • Người bệnh có một ống giúp thở và một ống thông trong tĩnh mạch để truyền dịch. Ngoài ra, còn có một ống thông để thoát nước tiểu nếu cuộc mổ kéo dài.
  • Bác sĩ làm sạch và khử trùng vị trí phẫu thuật và cung cấp cho người bệnh thuốc kháng sinh thông qua đường truyền tĩnh mạch để ngừa tình trạng nhiễm trùng.
  • Người bệnh được tiêm một chất phóng xạ nhẹ gọi là chất đánh dấu vào vú để giúp làm nổi bật các hạch bạch huyết gần đó. Bác sĩ sử dụng máy quét cầm tay để tìm chúng.
  • Ngoài ra, bác sĩ tiêm thuốc nhuộm màu xanh lam vào mô quanh quầng vú để làm nổi bật các hạch bạch huyết ở nách. Thuốc nhuộm sẽ ở trong mô trong vài tuần.
  • Bác sĩ loại bỏ một hoặc một số hạch bạch huyết tùy vào giai đoạn ung thư của người bệnh. Họ sẽ gửi chúng đến phòng thí nghiệm để kiểm tra ung thư.
  • Bác sĩ loại bỏ mô vú bao gồm da, núm vú; hoặc giữ lại da và núm vú. Hơn nữa, bác sĩ có thể loại bỏ các mô lân cận nếu ung thư lan rộng đến đó.
  • Bác sĩ bắt đầu và hoàn thành quá trình tái tạo vú và có thể sử dụng túi độn và/hoặc mô từ nơi khác trên cơ thể.
  • Nếu người bệnh không có chỉ định tái tạo vú vào lúc này, bác sĩ sẽ khâu da lại và để phẫu thuật tái tạo trong lần mổ sau đó hoặc người bệnh có thể chọn không tái tạo.
  • Bác sĩ để lại một ống dẫn lưu tạm thời bên trong vị trí phẫu thuật. Đây là ống hút chất lỏng dư thừa từ vết thương vào bình chứa dịch ở bên ngoài trong một hoặc hai tuần sau đó.

3. Sau phẫu thuật ung thư vú

Phẫu thuật cắt bỏ khối u đơn giản hoặc không sinh thiết hạch gác cửa thường chỉ thực hiện trong 1 giờ, người bệnh có thể về nhà trong ngày. Trường hợp phẫu thuật cắt bỏ vú cùng bóc tách hạch bạch huyết ở nách hoặc tái tạo vú sẽ mất vài giờ và người bệnh phải ở lại bệnh viện một hoặc nhiều ngày. Một số người bệnh có thể phẫu thuật cắt bỏ vú và về nhà ngay trong ngày tùy thuộc vào sức khỏe của người bệnh và mức độ phẫu thuật.

Chi phí phẫu thuật ung thư vú giá bao nhiêu tiền?

Đa phần, chi phí phẫu thuật ung thư vú bao gồm cho việc điều trị và phẫu thuật đều khá cao khoảng 40.000.000 – 80.000.000 VNĐ (chưa trừ bảo hiểm), cụ thể:

  • Viện phí: chi phí phòng, giường, các ca phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và các liệu pháp khác.
  • Thuốc điều trị.
  • Ăn uống, sinh hoạt trong quá trình điều trị.

Không có một con số chính xác với chi phí điều trị ung thư vú. Nó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn phát hiện, mức độ tiến triển (mới xâm lấn, phát triển, di căn,…), thể trạng người bệnh, các bệnh lý nguy cơ,.. Giai đoạn bệnh là căn cứ quan trọng để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Thông thường, chi phí được dự trù và phân bổ theo từng giai đoạn cho người bệnh có thể chủ động chuẩn bị. Tuy nhiên, có những phát sinh trong quá trình điều trị là không thể tránh khỏi.

Hơn nữa, chất lượng của cơ sở điều trị cũng là yếu tố quyết định đến chi phí điều trị. Vì vậy, người bệnh cần tìm hiểu kỹ thông tin để chọn đúng cơ sở y tế uy tín, điều trị hiệu quả và chi phí phù hợp.

chi phí mổ ung thư vú
Chi phí được dự trù và phân bổ theo từng giai đoạn để có thể chủ động chuẩn bị.

Biến chứng sau phẫu thuật ung thư vú

Một số biến chứng sau phẫu thuật ung thư vú có thể xảy ra như:

  • Chảy máu: biến chứng này thường liên quan đến sự tích tụ máu dưới vết mổ.
  • Nhiễm trùng: quan sát sự phù nề, tấy đỏ ở vị trí phẫu thuật. Khi xuất hiện mủ, chảy dịch hôi, người bệnh có thể sốt thì thường sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Phù bạch huyết cánh tay: cánh tay hoặc bàn tay bên phẫu thuật sưng phù. Tình trạng thường xuất hiện ở một số trường hợp sau khi loại bỏ những hạch bạch huyết dưới cánh tay. Nó có thể tự hết nhưng cũng nên liên hệ tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Việc điều trị gồm:
  • Dẫn lưu dịch Băng áp lực để giảm sưng
  • Chăm sóc da
  • Bài tập vận động cánh tay
  • Tụ dịch: thông thường, cơ thể sẽ tự hấp thu lại lượng dịch này. Trường hợp hấp thu không hết, bác sĩ dùng kim để hút dịch ra ngoài. Sau khi đã bình phục, người bệnh cảm thấy đau hoặc cứng vai. Đôi lúc, người bệnh còn tê bì hoặc dị cảm ở vùng trên cánh tay hoặc nách.
ung thư vú sau khi phẫu thuật
Những bài tập thể dục phù hợp ngừa tình trạng cứng khớp ở cánh tay và vai.

Chăm sóc sau phẫu thuật ung thư vú

Một số phương pháp chăm sóc sau phẫu thuật ung thư vú bao gồm:

  • Uống thuốc giảm đau: bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau để người bệnh mang về sau khi xuất viện.
  • Chăm sóc băng vết thương và mặc quần áo: bác sĩ có thể khuyên người bệnh không cố gắng tháo băng và hãy đợi đến lần tái khám đầu tiên để bác sĩ tháo băng.
  • Ống dẫn lưu: được rút bỏ trước khi xuất viện hoặc giữ nguyên đến lần tái khám đầu tiên, thường 1-2 tuần sau phẫu thuật.
  • Các chỉ khâu vết mổ: hầu hết các bác sĩ dùng chỉ tự tiêu theo thời gian nên không cần cắt bỏ chúng. Tuy nhiên, có một số chỉ khâu lòi ra khỏi vết mổ, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để xử lý nó.
  • Nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng: các dấu hiệu cần chú ý như sốt, mẩn đỏ xung quanh hoặc mủ chảy ra từ vết mổ.
  • Vận động cánh tay: bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ chỉ cho người bệnh những bài tập thể dục phù hợp để ngừa tình trạng cứng khớp ở cánh tay và vai. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp hạn chế hình thành các mô sẹo đáng kể.
  • Nghỉ ngơi: cần nghỉ ngơi vài tuần đầu sau phẫu thuật.
  • Làm theo hướng dẫn của bác sĩ vào thời điểm có thể tắm: Người bệnh được hướng dẫn tắm bằng miếng bọt biển cho đến khi bác sĩ tháo ống dẫn lưu hoặc chỉ khâu.

Các thắc mắc thường gặp về phẫu thuật ung thư vú

1. Có nên cắt bỏ tuyến vú để phòng ngừa ung thư?

Có, người bệnh nên cắt bỏ vú để phòng ngừa ung thư khi mang một số đột biến gen nhất định trong DNA tới 85% khả năng mắc ung thư vú. Xét nghiệm di truyền nhằm xác định người bệnh có mang bất kỳ gen nào trong số các gen gồm BRCA1, BRCA2, p53 và PTEN. Với phụ nữ mang những gen này, phương pháp ngừa ung thư là phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng. Điều này có thể làm giảm khoảng 90% nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, một số rủi ro nhỏ vẫn còn vì một số tế bào vú sẽ luôn tồn tại.

2. Mổ ung thư vú có cho con bú được không?

Có, phẫu thuật cắt bỏ khối u vú vẫn có thể cho con bú trở lại khi vết thương ở ngực lành hẳn. Một vài trường hợp, phẫu thuật làm ảnh hưởng đến các ống dẫn sữa và khiến lượng sữa tiết ra không nhiều. Người bệnh không cần lo lắng, cho con bú thường xuyên sẽ kích thích quá trình tiết sữa. Với người bệnh phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bên ngực sẽ cho con bú ở bên không phẫu thuật. Với người bệnh có hóa trị, xạ trị sau phẫu thuật, thời gian cho con bú cần thay đổi tùy vào phương pháp áp dụng và cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Mổ ung thư vú có nguy hiểm không?

Có, bất kỳ cuộc mổ nào cũng có nguy cơ xảy ra tai biến, biến chứng. Loại tai biến, biến chứng và tỷ lệ rủi ro tùy vào loại phẫu thuật ung thư vú khác nhau. Phẫu thuật cắt bỏ khối u thường đơn giản mất khoảng 1 giờ, còn phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú lâu hơn. Việc tái tạo vú trong cùng ca phẫu thuật còn mất nhiều thời gian hơn.

3. Mổ ung thư vú có để lại sẹo không?

Có, sau phẫu thuật ung thư vú, người bệnh sẽ có một vết sẹo nơi bác sĩ rạch da và khâu với chiều dài của vết sẹo phụ thuộc vào độ lớn của vết rạch mà bác sĩ phẫu thuật thực hiện.

mổ ung thư vú
Sau phẫu thuật ung thư vú, người bệnh sẽ có một vết sẹo nhỏ nơi bác sĩ rạch.

4. Mổ ung thư vú có đau không?

Có, hầu hết người bệnh đều đau khi mổ ung thư vú nhưng tình trạng này diễn ra sau khi phẫu thuật, còn trong lúc mổ ung thư vú người bệnh không đau. Bởi vì, trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ gây mê tại chỗ nên người bệnh sẽ không cảm nhận đau đớn. Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau cho người bệnh. Lưu ý, người bệnh hãy báo với bác sĩ nếu thuốc kiểm soát cơn đau không hiệu quả.

5. Mổ ung thư vú có phòng ngừa hoàn toàn được u vú?

Chỉ mổ ung thư vú không thôi không thể phòng ngừa hoàn toàn được ung thư vú tái phát. Vì vậy, sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra kết quả sinh thiết để có kế hoạch điều trị tiếp theo. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh. Người bệnh có thể cần hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết,…như một phần trong kế hoạch điều trị.

6. Mổ ung thư vú sau sinh được không?

Có, sau sinh có thể phẫu thuật ung thư vú. Mối quan hệ giữa ung thư vú và thai kỳ là vấn đề tương đối phức tạp. Ung thư vú là loại ung thư có liên quan mật thiết đến chức năng nội tiết của phụ nữ mang thai. Ở phụ nữ ung thư vú, estrogen có thể kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư. Sau khi sinh không nên chờ đến khi dứt sữa cho bé mà phải tiến hành điều trị ngay.

Nếu người bệnh được chẩn đoán ung thư vú và thắc mắc về phẫu thuật ung thư vú, hãy trao đổi với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khoa Ngoại vú với các bác sĩ giỏi, nhiều năm kinh nghiệm và luôn tiên phong trong việc cập nhật phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới sẽ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp phù hợp cho người bệnh, không chỉ ung thư vú mà còn các bệnh lý ở vú hoặc các bất thường bẩm sinh khác.

Phẫu thuật ung thư vú có thể để lại những hậu quả cả về thể chất lẫn tinh thần người bệnh. Mong rằng thông qua bài viết trên, người bệnh sẽ hiểu hơn về phẫu thuật ung thư vú và bình tĩnh cùng bác sĩ điều trị vượt qua căn bệnh này.