Chương trình được thiết kế theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, được đối sánh với các chương trình đại học uy tín trên thế giới và chuẩn đầu ra tin học đạt chứng chỉ tin học Microsoft Office Specialist tối thiểu 750/1000 điểm và kỹ năng ngoại ngữ đạt chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu IELTS 5.0 hoặc chứng chỉ khác tương đương. Ngoài các kiến thức cơ bản về lý thuyết mạch điện – điện tử, kỹ thuật đo lường điện-điện tử, kỹ thuật mô phỏng bằng phần mềm, ngành học còn cung cấp cho sinh viên kiến thức về chuyên ngành như các phương pháp điều khiển kinh điển và hiện đại, các mạng truyền thông công nghiệp, công nghệ internet kết nối vạn vật, công nghệ robot, tự động hóa quá trình sản xuất, …
Chương trình đào tạo chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được thực hành trên các hệ thống trang thiết bị hiện đại, đa số được tài trợ bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành như Siemens, ABB, Mitsubishi, Endress+Hausser… Ngoài ra, thông qua các đồ án môn học và đồ án tốt nghiệp, sinh viên được tiếp cận và thực hiện các đề tài đang là vấn đề cấp bách trong thực tế như chuyển đổi số trong công nghiệp, công nghệ internet kết nối vạn vật, xe tự hành, nông-lâm-ngư nghiệp-nhà thông minh, năng lượng tái tạo, …
Ngoài chuyên môn, sinh viên còn tham gia nhiều các hoạt động ngoại khóa khác nhau. Sinh viên được tiếp cận sớm với môi trường và văn hoá doanh nghiệp thông qua các chuyến tham quan thực tế, kiến tập và thực tập tại doanh nghiệp. Khoa còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật, workshop, ngày hội việc làm, … với các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu đến từ các công ty tự động hoá trong nước và quốc tế … nhằm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, tăng thêm cơ hội việc làm trong tương lai. Thêm vào đó, trong một số học phần chuyên môn và các chương trình nghiên cứu đều có sự đóng góp của nhiều chuyên gia có tay nghề cao kết hợp với giảng viên trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học ngay tại doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng chuyên ngành cho sinh viên.
Sinh viên sau tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá sẽ tích lũy đủ kiến thức vận hành, bảo trì, sửa chữa các hệ thống, dây chuyền sản xuất trong công nghiệp; thiết kế giao diện giám sát và lập trình điều khiển; xây dựng hệ thống thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu cho các nhà máy, xí nghiệp; tham gia cải tiến nâng cấp các hệ thống tự động hóa; đề xuất dự toán kinh phí, kỹ thuật, thiết bị và nhân lực, thời gian thực hiện cho các dự án liên quan đến tự động hóa quá trình sản xuất; có khả năng tự học, tự nghiên cứu để cập nhật và thống kê thông tin về pháp luật, kỹ thuật và công nghệ mới.