Ba mươi năm Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga: Nền tảng vững chắc thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn mới – Media story – Tạp chí Cộng sản

bởi

trong

Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga

Nhìn lại lịch sử, ngày 30-1-1950, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đang diễn ra ác liệt, Việt Nam và Liên Xô – siêu cường đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới – chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này đã đặt nền tảng vững chắc để quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương và trên trường quốc tế. Liên Xô dành sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ to lớn, chí nghĩa, chí tình đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp trong nửa sau thập niên 70 của thế kỷ XX, ngày 3-11-1978, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Liên Xô (sau đây gọi tắt là Hiệp ước năm 1978) được ký kết.Hiệp ước bao gồm 9 Điều, với nội dung bao trùm là Liên Xô tiếp tục hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt theo nguyên tắc và tinh thần “tương trợ anh em”. Đây cũng là văn kiện hợp tác ở cấp độ cao nhất trong lịch sử quan hệ song phương Việt Nam – Liên Xô. Vào cuối năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ (trước đó là ở các nước Trung, Đông Âu). Điều này đã tác động mạnh và nhiều mặt đến quan hệ quốc tế. Về quan hệ Việt Nam – Nga, mặc dù Nga được thừa nhận là “quốc gia kế thừa Liên Xô” (được hiểu là kế thừa tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô trên trường quốc tế), song trong những năm đầu thời kỳ “hậu Xô viết”, mối quan hệ giữa hai nước rơi vào trạng thái ngưng trệ, suy giảm mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Nguyên nhân chủ yếu là do cả hai bên tập trung vào các mục tiêu khác nhau; đồng thời, do cơ chế quan hệ truyền thống Việt Nam – Liên Xô bị đổ vỡ, cơ chế mới chưa kịp thiết lập và do những biến động khó lường của tình hình quốc tế,…

Quan hệ Việt Nam – Nga bắt đầu được thay đổi từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, trước hết do sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nga theo hướng cân bằng, thiết thực hơn và chú trọng hơn quan hệ với các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam(1). Về phần mình, Việt Nam nêu cao phương châm “muốn là bạn với các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và đã tiến những bước dài trong cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn. Việt Nam cho rằng, bất luận những thay đổi ở Liên Xô trước đây, việc duy trì quan hệ với Nga và các nước khác từng thuộc Liên Xô là cần thiết, đáp ứng lợi ích nhiều mặt của Việt Nam. Xuất phát từ các quan điểm song trùng này, cả Việt Nam và Nga đều nhận thấy cần nhanh chóng khôi phục mối quan hệ hợp tác truyền thống, song trước tiên cần tạo dựng một khuôn khổ, một nền tảng pháp lý mới cho quan hệ Việt Nam – Nga, thay thế Hiệp ước năm 1978. Với những nỗ lực của cả hai phía, ngày 16-6-1994, Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (sau đây gọi tắt là Hiệp ước năm 1994) đã được hai bên ký kết tại Thủ đô Mát-xcơ-va (Liên bang Nga), nhân chuyến thăm chính thức nước Nga của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Từ đây, những trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Nga bắt đầu.

Hiệp ước năm 1994 bao gồm 12 Điều, cũng là văn kiện hợp tác Việt Nam – Nga ở cấp độ cao nhất, song toàn diện hơn so với Hiệp ước năm 1978. Bản Hiệp ước năm 1994(2) có nội dung cốt lõi, điều chỉnh đáng chú ý:

Một là, Hiệp ước năm 1994 tôn trọng và kế thừa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp của quan hệ Việt Nam – Liên Xô trước đây. Các nguyên tắc quan hệ song phương được nêu rõ từ đầu, trong Điều 1 của Hiệp ước: “Hai bên ký kết Hiệp ước từ nay trở đi sẽ duy trì và phát triển các mối quan hệ hữu nghị dựa trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và các quy tắc công pháp quốc tế khác được thừa nhận rộng rãi, và sẽ tạo ra những cơ chế đối thoại thích ứng với điều đó”. Như vậy, Điều 1 của Hiệp ước năm 1994 đã giữ nguyên (nhưng có bổ sung) những nguyên tắc quan hệ song phương từng được nêu trong Điều 1 của Hiệp ước năm 1978. Điều 10 của Hiệp ước năm 1994 cũng xác định: “… Trên cơ sở Hiệp ước này, hai bên sẽ nỗ lực đổi mới và hoàn thiện các hiệp ước, hiệp định và các văn kiện khác đã được ký kết trước đây”. Những nội dung này rất đáng chú ý, vì xét trên nhiều mặt, Nga không phải là Liên Xô trước đây, song trên thực tế không khó để lý giải vì sao có sự kế thừa ấy trong Hiệp ước năm 1994. Đối với Nga, bắt nguồn từ vai trò, vị thế của Nga trong Liên Xô, cũng như từ những căn nguyên lịch sử, truyền thống và văn hóa chính trị, Nga kế thừa những giá trị vốn có của Liên Xô, trong đó có những giá trị trong quan hệ gần gũi, gắn bó với Việt Nam mà hai nước đã từng xây dựng. Đối với Việt Nam, việc phát triển quan hệ với Nga không những nằm trong tổng thể chủ trương “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”, mà còn bởi trong tư duy đối ngoại và trong thực tiễn các mối quan hệ với các nước lớn của Việt Nam, quan hệ với Nga luôn chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt.

Hai là, Hiệp ước năm 1994 có một số thay đổi, điều chỉnh về nội dung so với Hiệp ước năm 1978. Với 12 Điều, ngoài việc bổ sung các nguyên tắc “cùng có lợi”, tôn trọng “toàn vẹn lãnh thổ” và “các quy tắc công pháp quốc tế khác được thừa nhận rộng rãi”, Hiệp ước năm 1994 trình bày toàn diện, chặt chẽ, rõ ràng và cụ thể quan điểm chỉ đạo cũng như các lĩnh vực hợp tác song phương và đa phương. Có thể nhận thấy sự khác biệt trong một số điều của Hiệp ước năm 1994. Đơn cử như, nếu Điều 6 của Hiệp ước năm 1978 quy định: “Hai bên ký kết Hiệp ước sẽ trao đổi ý kiến với nhau về tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan đến lợi ích hai nước. Trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công thì hai bên ký kết Hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước”(3), thì Điều 3 của Hiệp ước năm 1994 ghi rõ: “Hai bên ký kết Hiệp ước sẽ trao đổi ý kiến với nhau ở các cấp độ khác nhau về tất cả các vấn đề quan trọng có liên quan đến lợi ích hai nước và thực hiện những cuộc tiếp xúc qua con đường ngoại giao. Không bên nào trong hai bên sẽ ký kết với nước thứ ba những hiệp ước, hiệp định hoặc có các hành động xâm hại đến chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của bên kia. Trong trường hợp xuất hiện tình huống, theo ý kiến của một trong hai bên, sẽ tạo ra nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế, có thể kéo theo những phức tạp quốc tế, hai bên sẽ ngay lập tức tiếp xúc với nhau để tham vấn nhằm ngăn chặn nguy cơ đó”. So sánh hai Điều này có thể thấy, Điều 3 của Hiệp ước năm 1994 đã thay đổi hẳn tính chất quan hệ giữa hai nước theo hướng chặt chẽ và bao quát hơn.