Ung thư khoang miệng là bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên khó phát hiện do dễ nhầm với các bệnh lý viêm nhiễm. Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ung thư khoang miệng qua bài viết này nhé!
1Ung thư miệng là gì?
Ung thư khoang miệng (hay còn gọi là ung thư hốc miệng) là một tổn thương ác tính do các tế bào niêm mạc trong khoang miệng tăng sinh không kiểm soát.
Mỗi bộ phận cấu tạo nên khoang miệng sẽ xuất hiện một loại ung thư khác nhau, gồm 7 phần: môi, niêm mạc má, nướu răng, vòm khẩu cái cứng, sàn miệng, lưỡi di động, tam giác hậu hàm.
Ung thư khoang miệng rất phổ biến, chiếm 30 – 40% tổng số ung thư vùng đầu mặt cổ. Trong các loại ung thư khoang miệng, ung thư lưỡi chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 40% tổng số ca mắc ung thư. Loại tế bào hay phát triển thành ung thư tại vùng này là ung thư biểu mô vảy chiếm 90% – 95%.
Ung thư miệng hay gặp ở người hút thuốc lá. Hiện tại, người ta chưa tìm ra được cơ chế chính xác cho nguyên nhân này. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải thích là do thuốc lá có nhiều chất độc hại, miệng lại là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với thuốc lá nên dễ dẫn đến ung thư.
Ung thư khoang miệng do các tế bào niêm mạc phủ khoang miệng phát triển không kiểm soát
2Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư miệng
Thuốc lá: trong khói thuốc lá có rất nhiều chất nguy hiểm kích thích biểu mô niêm mạc miệng và họng tạo ra các tổn thương tiền ung thư, trải qua một thời gian sẽ phát triển thành ung thư vùng khoang miệng.
Sử dụng thức uống có cồn nhiều: thức uống có cồn khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành acetaldehyde. Chất này làm tổn thương DNA, ngăn chặn khả năng tự hồi phục của tế bào, gây nên những tổn thương tiền ung thư và tổn thương ung thư.
Virus HPV: HPV thường sống ở các vùng niêm mạc, trong đó có niêm mạc hầu họng. Nhiễm mạn tính các type HPV nguy cơ cao (16, 18) đường tình dục có liên quan đến ung thư vùng khẩu hầu và khoang miệng. Đây là nguyên nhân gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Vệ sinh răng miệng kém và bệnh nướu răng: một trong những nguyên nhân gây ra ung thư có thể là những tổn thương lâu lành ở vùng khoang miệng. Việc vệ sinh răng miệng kém, làm cho virus, vi khuẩn vùng này tồn tại nhiều càng làm điều kiện thuận lợi cho phát triển ung thư.
Chế độ ăn uống: chế độ ăn uống nhiều đường hoặc các thực phẩm không lành mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho những tổn thương tiền ung thư như bạch sản, vết loét kéo dài không lành,…
Nhai hạt cau: do khi nhai hạt cau, cơ thể sẽ sản sinh ra chất kích thích, làm thay đổi sự hoạt động của tế bào khoang miệng, kết hợp với hút thuốc lá, làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Ánh nắng mặt trời: khi tiếp xúc với trực tiếp với ánh sáng mặt trời các tế bào vùng môi sẽ thay đổi cấu trúc, rất dễ dẫn tới tăng sinh và hình thành ung thư da vùng môi.
Tuổi: càng lớn tuổi, khi các chất độc trong cơ thể tích lũy đủ nhiều, sẽ gây nên thay đổi hoạt động của các tế bào vùng khoang miệng, rất dễ dẫn đến ung thư. Ung thư miệng thường xảy ra ở những người trên 55 tuổi [1].
Suy giảm miễn dịch: với những người suy giảm miễn dịch, cơ thể dễ bị tổn thương bởi những tác động sẽ hình thành nên các tổn thương khó lành, cũng như dễ mắc bệnh do các nhân tố bên ngoài tác động vào khoang miệng nên dễ gây ra ung thư.
Di truyền: Những người mắc một số hội chứng do khiếm khuyết di truyền ở một số gen nhất định có nguy cơ mắc ung thư miệng và cổ họng cao.
- Thiếu máu Fanconi: Những người mắc hội chứng này thường mắc các vấn đề về máu khi còn nhỏ, có thể dẫn đến bệnh bạch cầu hoặc hội chứng loạn sản tủy. Họ cũng có nguy cơ mắc ung thư miệng và cổ họng rất cao.
- Rối loạn mỡ bẩm sinh: Đây là một hội chứng di truyền có thể gây thiếu máu bất sản, phát ban da và móng tay, móng chân bất thường. Những người mắc hội chứng này cũng có nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ rất cao, đặc biệt là ung thư miệng và cổ họng khi còn trẻ.
Một số nguyên nhân gây ung thư khoang miệng
3Dấu hiệu ung thư miệng
Ung thư miệng giai đoạn đầu
Ung thư miệng giai đoạn đầu rất khó phát hiện do triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu, không có tổn thương rõ ràng trên lâm sàng. Đôi khi, ung thư miệng chỉ được phát hiện khi tình cờ đi khám một số bệnh liên quan đến vùng khoang miệng khác.
Các triệu chứng có thể gặp như:
- Cảm giác vướng víu mơ hồ ở khoang miệng mà không nhìn thấy u cục rõ ràng.
- Đôi khi, có triệu chứng tăng tiết nước bọt.
- Một số trường hợp nói khó, nuốt vướng, giọng nói khàn.
- Có thể xuất hiệu triệu chứng đau đầu âm ỉ, đau khắp đầu, lan lên một bên tai.
- Xuất hiện mảng trắng hoặc đỏ trên niêm mạc vùng khoang miệng, niêm mạc má và không có triệu chứng nào đi kèm.
- Xuất các vết loét, tổn thương niêm mạc không lành sau 2 tuần.
- Răng lung lay mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Khó cử động hàm hoặc khó cử động lưỡi.
Ung thư miệng giai đoạn đầu rất khó phát hiện do triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu
Ung thư miệng giai đoạn muộn
Ung thư miệng giai đoạn muộn, các triệu chứng xảy ra rầm rộ, dễ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số triệu chứng mà người mắc ung thư miệng giai đoạn muộn có thể gặp phải như:
- Đau đầu liên tục, dữ dội, thường xuyên nhói lên một bên tai.
- Nói khó liên tục, nuốt vướng, đau, người bệnh hạn chế ăn uống.
- Đôi khi, người bệnh khạc ra đờm lẫn máu, có mùi hôi.
- Tổn thương u cục, sùi loét ở vùng niêm mạc, rất dễ chảy máu, bờ không đều, chạm vào rất đau.
- Sưng các hạch ở cổ.
- Sụt cân nhiều, trên 5% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng, không rõ nguyên nhân (người bệnh không thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt bình thường).
Ung thư khoang miệng giai đoạn cuối thường xuất hiện u cục trên niêm mạc miệng
4Các giai đoạn của ung thư miệng
Giai đoạn 0 (tổn thương tiền ung thư): ung thư tại vùng biểu mô (các tế bào bất thường) chưa lan sang các mô lành lân cận. Giai đoạn này thường diễn ra trong 1 – 2 năm.
Giai đoạn ung thư tại chỗ: ung thư chỉ tồn tại ở một vùng nhất định, vẫn còn giới hạn được kích thước, chưa lan ra xung quanh nhiều.
Giai đoạn ung thư lan rộng: ung thư đã lan đến các khu vực lân cận, các hạch vùng xuất hiện nhiều. Các triệu chứng biểu hiện rầm rộ, tổn thương lan tràn trên diện rộng trong khoang miệng.
Giai đoạn ung thư di căn (giai đoạn tiến xa): các tế bào ung thư theo máu và bạch huyết lan ra các cơ quan khác trong cơ thể như phổi hoặc gan.
Ung thư khoang miệng có thể di căn đến gan
5Biến chứng của ung thư miệng
- Khó nuốt: do khối u chèn ép ở vùng miệng hoặc gây loét vùng niêm mạc khiến việc nuốt thức ăn, đồ uống trở nên khó khăn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không thể ăn được, có thể phải can thiệp nối thông dạ dày.
- Nói khó, âm thanh thay đổi: do khoang miệng bị ảnh hưởng nên các hoạt động phối hợp tạo ra lời nói của cơ, xương và mô, bao gồm lưỡi, răng, môi, vòm miệng mềm không còn nhịp nhàng. Điều này làm cho việc phát ra âm thanh gặp khó khăn.
- Tác động đến tâm lý: người bệnh cảm thấy lo lắng, hoảng sợ khi biết mình mắc ung thư, một số trường hợp người bệnh có thể dẫn đến trầm cảm.
- Các vấn đề răng miệng: ung thư vùng khoang miệng cũng ảnh hưởng đến răng, làm răng không được hoạt động như bình thường, dễ gãy, dễ chảy máu, dễ sâu.
- Chảy máu, nhiễm trùng: tổn thương vùng khoang miệng tạo điều kiện rất tốt cho các vi khuẩn sinh sôi, gây nên những tổn thương chảy máu khó cầm, hoặc nhiễm trùng trong thời gian dài.
- Ung thư di căn tới các cơ quan khác.
Ung thư khoang miệng có thể gây ra nhiều vấn đề răng miệng
6Chẩn đoán ung thư miệng
Khám lâm sàng
Bác sĩ thông qua kiểm tra khoang miệng xác định những tổn thương tồn tại ở vùng này như các nốt, các vết chảy máu, u nhú, u sùi, loét,… Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá những tác hại của ung thư miệng với toàn thân.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử hút thuốc lá, sử dụng các thức uống có cồn, các thói quen sinh hoạt và vệ sinh răng miệng để định hướng ban đầu nguyên nhân.
Sinh thiết
Khi phát hiện khu vực bất thường, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu tế bào ở vùng đó và gửi đi phòng giải phẫu bệnh để đánh giá về các tế bào trong mẫu này xem có phải các tế bào ung thư không, nếu phải thì ung thư có phải nguồn gốc trong khoang miệng không, các tế bào có độ biệt hoá như thế nào (đánh giá tình trạng ác tính).
Chỉ sinh thiết hạch cổ trong trường hợp chưa xác định được bướu nguyên phát vùng đầu mặt cổ hoặc cần phân biệt với bệnh lý khác.
Các phương pháp được sử dụng để sinh thiết bao gồm: rạch hoặc bấm sinh thiết, chọc hút kim nhỏ với tế bào học, soi mũi, nội soi.
Một số xét nghiệm khác
Các xét nghiệm này nhằm xác định giai đoạn của ung thư để có kế hoạch điều trị hiệu quả.
Chụp X-quang
- X-quang ngực để đánh giá di căn xa đến phổi.
- X-quang hàm mặt để đánh giá xương hàm, răng trước khi điều trị xạ trị.
Chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner), MRI vùng đầu mặt cổ: phát hiện và đánh giá mức độ xâm lấn của u nguyên phát.
Siêu âm hạch, siêu âm ổ bụng: nhằm phát hiện hạch và di căn các vùng.
PET/CT (kết hợp giữa máy phát xạ positron (PET) cho hình ảnh chuyển hóa phân tử và máy CT cho cắt lát cấu trúc cơ thể): trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát và giai đoạn bệnh, ngoài ra còn để đánh giá tái phát sau điều trị.
Cắt lớp vi tính (CT-scanner) toàn thân: đánh giá di căn, đánh giá giai đoạn, đánh giá di căn hạch và di căn xa hoặc đánh giá tái phát sau điều trị.
Để chẩn đoán xác định giai đoạn ung thư dựa vào chỉ số TNM.
- T: chỉ kích thước khối u
- N: chỉ các tế bào ung thư di căn các hạch lân cận.
- M: chỉ các tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác xa vùng đầu mặt cổ.
Dùng CT-scanner để đánh giá u nguyên phát
7Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nếu bạn có bất kỳ những dấu hiệu nào liên quan đến vùng khoang miệng như chảy máu, đau nhức, sưng viêm mà không khỏi trong vòng hai tuần nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm ung thư.
Bạn có thể dựa vào những triệu chứng liên quan đến ung thư miệng, đặc biệt khi có những tổn thương, những nốt trên khoang miệng nên đi kiểm tra tại các cơ sở y tế.
Khi xuất hiện các nốt ở niêm mạc miệng cần đến các cơ sở y tế
Nơi điều trị bệnh ung thư miệng uy tín
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư khoang miệng nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Ung bướu để được thăm khám và điều trị. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ thăm khám ung thư uy tín như:
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện răng hàm mặt trung ương TP.HCM,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,…
8Cách điều trị ung thư miệng
Phẫu thuật
Phẫu thuật ung thư thường dùng cho những trường hợp ung thư còn khu trú, dễ loại bỏ hoàn toàn khối u. Tuy nhiên, vì là vùng đầu mặt cổ, các bác sĩ sẽ luôn cân nhắc đến phẫu thuật vùng này. Các phẫu thuật thường thấy là:
Phẫu thuật cắt bỏ khối u: cắt bỏ hoàn toàn khối u và các mô lành xung quanh để chắc chắn rằng không còn tế bào ung thư nữa. Trong trường hợp không cắt bỏ được hết khối u, ưu tiên cắt lọc tối thiểu mô nhưng tối đa khối u nhất có thể.
Phẫu thuật nạo vét hạch cổ: nếu phát hiện có hạch bạch huyết cần mở vùng cổ để bóc tách các hạch này.
Phẫu thuật tái tạo: hầu như khi phẫu thuật vùng này, phải đi kèm phẫu thuật tái tạo nhằm tạo cho bệnh nhân chất lượng cuộc sống tốt nhất.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp dùng chùm tia năng lượng lớn để tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Phương pháp này kéo dài từ 3 đến 7 tuần, tuỳ thuộc vào giai đoạn. Xạ trị có thể được áp dụng riêng lẻ nhưng có thể áp dụng cùng với phẫu thuật hoặc hoá trị.
Các tác dụng phụ có thể gặp sau xạ trị vùng khoang miệng có thể là: loét miệng, đau cổ họng, khô miệng, mất vị giác, hàm cứng, hôi miệng,…
Xạ trị vùng đầu – mặt – cổ thường kéo dài trong 3 – 7 tuần
Hóa trị
Hoá trị là phương pháp sử dụng hoá chất tác động đến các tế bào ung thư nhằm ngăn chặn sự phát triển, lý tưởng hơn là tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong trường hợp ung thư lan rộng, có thể kết hợp hoá trị với xạ trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Các tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị hoá chất là: mệt mỏi, loét miệng, nhiệt miệng, rụng tóc, suy giảm hệ miễn dịch…
Liệu pháp nhắm đích
Liệu pháp này nhằm vào các protein trên bề mặt tế bào ung thư (yếu tố tăng trưởng biểu bì), coi nó như một tín hiệu dùng để nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Liệu pháp này có thể dùng để tắt các tín hiệu phân bào, phá hủy tế bào ung thư. Một chất hay được sử dụng trong liệu pháp này là Cetuximab.
Liệu pháp nhắm đích có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với hoá trị để tăng hiệu quả điều trị trong giai đoạn tiến xa.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là sử dụng các loại thuốc giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả hơn.
Các thuốc như Pembrolizumab và nivolumab là các kháng thể đơn dòng có tác dụng ức chế PD-1 (một loại protein trên tế bào T trong hệ thống miễn dịch).
PD-1 có vai trò giữ cho các tế bào T không tấn công các tế bào khác. Từ đó có thể thu nhỏ một số khối u hoặc làm chậm sự phát triển của chúng.
Sử dụng tế bào để tăng cường hệ miễn dịch
9Biện pháp phòng ngừa ung thư miệng
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và các chất có cồn nhất có thể.
- Tiêm vaccin HPV để phòng tránh HPV gây bệnh ở miệng và cổ họng.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nếu tiếp xúc nên bảo vệ môi, bôi các sản phẩm dưỡng môi để tránh ánh nắng tổn thương môi.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung trái cây và rau xanh nhằm cung cấp chất xơ, vitamin A, vitamin B, vitamin C, các chất chống oxy hóa nhằm giúp cơ thể khỏe mạnh.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, nên sử dụng các sản phẩm nước súc miệng để sát khuẩn.
- Uống đủ nước từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, tránh khô miệng.
- Tăng cường hoạt động thể lực để tăng cường hệ miễn dịch.
- khám chuyên khoa định kỳ 6 tháng/lần.
Ung thư khoang miệng là một loại ung thư nguy hiểm, dễ dàng di căn nhưng lại khó phát hiện trong giai đoạn sớm. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức cơ bản về ung thư khoang miệng, đặc biệt là các dấu hiệu để phát hiện sớm cũng như biện pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng. Nếu bạn thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!
Nguồn: Sức khoẻ đời sống, Cleveland Clinic, Medical News Today, NHS, WebMD, Mayo Clinic