Bệnh chàm: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

bởi

trong

Bệnh chàm là bệnh viêm da mạn tính rất hay gặp trong đời sống hàng ngày, có ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh chàm qua bài viết dưới đây nhé!

1Chàm là gì?

Chàm (eczema) là tình trạng da bị viêm gây nên kích ứng và sẩn ngứa, diễn biến mạn tính và tiến triển từng đợt biểu hiện bằng đám mảng đỏ da, mụn nước và ngứa. Các triệu chứng này sẽ nghiêm trọng hơn vào mùa đông do thời tiết lạnh thường làm khô da.

Loại chàm da hay gặp nhất là chàm da dị ứng. Chàm da dị ứng có thể chiếm tỉ lệ 10% – 20% trẻ sơ sinh, khoảng 3% người lớn và trẻ em [1]. Tỉ lệ bệnh chàm nói chung thường khác nhau ở các chủng tộc khác nhau, thông thường từ 10% – 13% [2].

Bệnh chàm có thể ảnh hưởng đến hầu hết các vị trí của cơ thể, thường gặp nhất ở đầu gối, khuỷu tay, cẳng tay, cánh tay, ít gặp hơn ở mặt, cổ, da đầu, chân, ngực và lưng.

Chàm là bệnh viêm da gây kích thích, sẩn ngứa

Chàm là bệnh viêm da gây kích thích, sẩn ngứa

2Nguyên nhân gây ra bệnh chàm

Cơ địa (gen, hệ miễn dịch)

Nếu trong gia đình có người có tiền sử mắc chàm hoặc các bệnh viêm da khác thì bạn sẽ có nguy cơ cao mắc chàm hơn những người khác (60% người mắc bệnh chàm sinh con mắc bệnh này, nếu cả hai vợ chồng đều mắc thì tỉ lệ lên tới 80%) [3].

Nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh liên quan nhiều đến hệ miễn dịch như hen phế quản, dị ứng bất kỳ tác nhân nào (dị ứng phấn hoa, dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn…) thì cũng có nguy cơ mắc chàm cao hơn.

Yếu tố môi trường

Nếu sống trong môi trường không tốt cũng sẽ gây kích ứng trên da như trong một số trường hợp phải tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí, các loại vải len, một số sản phẩm chăm sóc da. Trong một số trường hợp, độ ẩm quá thấp cũng khiến da khô và ngứa.

một số loại cây cũng có thể gây nên tình trạng chàm cho cơ thể bao gồm rau tía tô, cỏ hoang, rau đay, cúc tần…

Ngoài ra, sức khoẻ và sức đề kháng yếu cũng là một trong những điều kiện thuận lợi làm cho bệnh chàm dễ phát sinh và lây lan nhanh chóng trên bề mặt da.

3Phân loại chàm

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa hay còn gọi là viêm da dị ứng là dạng chàm hay gặp nhất trong đời sống. Đa số gặp ở lứa tuổi sơ sinh, theo thời gian các triệu chứng giảm đi, hầu hết biến mất khi trẻ trên 10 tuổi.

Viêm da cơ địa sẽ có nguy cơ mắc hơn ở những người có các đặc điểm như hen phế quản, da khô hoặc mắc một vấn đề nào đó liên quan đến suy giảm miễn dịch.

Viêm da cơ địa là bệnh chàm hay gặp nhất

Viêm da cơ địa là bệnh chàm hay gặp nhất

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là bệnh xảy ra khi bạn chạm vào một vật nào đó, gây ra các biểu hiện kích ứng trên da như da bị đỏ lên, bị kích ứng và gây ngứa.

Các nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này là các chất tẩy rửa, mủ cao su, sơn… Vì vậy, một số công nhân làm ở các nhà máy, phải chuyển công việc khác mới tránh được tình trạng viêm da này.

Khi chạm tay vào các chất gây dị ứng sẽ hình thành viêm da

Khi chạm tay vào các chất gây dị ứng sẽ hình thành viêm da

Chàm tổ đỉa

Chàm tổ đỉa (tổ đỉa) là bệnh viêm da với mụn nước kèm với những đặc điểm hình thành trên ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân… Bệnh gây ra tình trạng ngứa và đau, làm cho da đóng vảy, nứt, bong tróc.

Chàm tổ đỉa là viêm da kèm mụn nước

Chàm tổ đỉa là viêm da kèm mụn nước

Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã do sự hoạt động quá mức của tuyến bã, gây ra các mảng bã nhờn từ đó tạo nên các mảng bong tróc giống như gàu. Triệu chứng hay xuất hiện ở những nơi tuyến bã hoạt động mạnh như da đầu, nách, bẹn, nếp mũi má, chân mày, mang tai, trước ngực…

Viêm da tiết bã do sự hoạt động quá mức của tuyến bã

Viêm da tiết bã do sự hoạt động quá mức của tuyến bã

Viêm da thần kinh

Viêm da thần kinh (hay lichen đơn mạn tính) bắt đầu bằng triệu chứng ngứa ở các vùng da như gáy, cánh tay hoặc chân, người bệnh sẽ gãi để giảm cảm giác ngứa, chính vì vậy tạo nên những mảng đỏ ở trên da tạo nên vòng lặp ngứa – gãi – ngứa.

Viêm da thần kinh có thể xuất phát từ các bệnh chàm nhưng cũng có thể xuất phát từ bệnh vảy nến, một số nhà khoa học cho rằng stress cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm da thần kinh.

Vòng lặp ngứa - gãi - ngứa gây viêm da thần kinh

Vòng lặp ngứa – gãi – ngứa gây viêm da thần kinh

Chàm thể đồng tiền

Chàm thể đồng tiền là dạng viêm da có những nốt sẩn hình tròn hoặc mụn nước giống như đồng tiền.

Những nốt sần này có thể hình thành vảy, hoặc đôi khi có thể gây ngứa. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này có thể là do côn trùng đốt hoặc da bị dị ứng với các hoá chất.

Chàm đồng tiền là những nốt sẩn hình đồng tiền

Chàm đồng tiền là những nốt sẩn hình đồng tiền

Viêm da ứ trệ

Viêm da ứ trệ là viêm da hay gặp ở bệnh nhân phù mạn tính do các bệnh lý suy tĩnh mạch mạn tính, suy tim phải hoặc phù bạch huyết. Tình trạng viêm da này thường xảy ra chủ yếu ở cẳng chân, gây ra sưng tấy và lở loét.

Viêm da ứ trệ do suy giãn tĩnh mạch

Viêm da ứ trệ do suy giãn tĩnh mạch

Chàm tay

Bệnh chàm tay là bệnh chỉ xảy ra ở tay, do đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều với các hóa chất.

Đây được coi là một bệnh nghề nghiệp, khi những người mắc những bệnh này là những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất ở tay như thợ cắt tóc, người giặt là, người rửa bát…

Chàm tay là chàm chỉ xuất hiện ở tay do tiếp xúc

Chàm tay là chàm chỉ xuất hiện ở tay do tiếp xúc

4Triệu chứng bệnh chàm

Các triệu chứng của bệnh chàm mang tính chất cá thể, biểu hiện nặng nhẹ tuỳ cơ địa mỗi người.

Triệu chứng chung

  • Ngứa là triệu chứng hay gặp, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh.
  • Đỏ bừng cả mảng da.
  • Xuất hiện mụn nước.
  • Xuất hiện các vết loét, đóng vảy hoặc rỉ nước.
  • Da khô, xuất hiện vảy.

Triệu chứng chàm ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng chàm được liệt kê dưới đây hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.

  • Chàm có thể xuất hiện ở nhiều vị trí da, nhưng đặc biệt hay xuất hiện ở hai bên má và da đầu, các vùng trẻ mặc tã thì hầu như không xuất hiện.
  • Đầu tiên thường xuất hiện các mụn nước dày đặc.
  • Sau khi các mụn nước vỡ, sẽ gây nên tình trạng rỉ nước. Các mụn nước khô dần sẽ để lại tình trạng da khô, đỏ, tróc vảy.

Chàm sơ sinh hay xuất hiện ở má

Chàm sơ sinh hay xuất hiện ở má

Triệu chứng chàm ở trẻ nhỏ

Khi trẻ bắt đầu di chuyển được, các vết chàm thường khu trú hơn, tuy nhiên các vùng da bị chàm hóa thường dày hơn so với lứa tuổi sơ sinh.

  • Thường xuất hiện ở các nếp gấp như khuỷu, cổ tay, cổ chân…
  • Các vị trí khác ít gặp hơn là mi mắt, vành tai, cổ và da đầu.
  • Có thể gặp các mụn nước giống với chàm tổ đỉa.
  • Da ngày càng dày (tổn thương lichen hóa), gây nên tổn thương hàng rào bảo vệ da vĩnh viễn.
  • Đa số các trường hợp sẽ khỏi ở lứa tuổi thanh thiếu niên (chiếm 60%) [4].

Triệu chứng chàm ở người lớn

  • Các vết dày sừng do ngứa xuất hiện nhiều vảy hơn ở trẻ em.
  • Các vết sẩn ngứa bao phủ khắp cơ thể.
  • Da rất khô.
  • Xuất hiện tình trạng những sẩn ngứa tồn tại vĩnh viễn.
  • Có thể gặp tình trạng nhiễm trùng da do bội nhiễm lên các tổn thương khi gãi.

Chàm ở người lớn dày và nhiều vảy hơn

Chàm ở người lớn dày và nhiều vảy hơn

5Biến chứng của bệnh chàm

Bệnh chàm chảy nước

Bệnh chàm chảy nước được mô tả là bệnh chàm có những mụn nước li ti, chứa đầy chất lỏng (màu của chất lỏng này có thể là trắng hoặc vàng). Các mụn nước này có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể, đôi khi đi kèm với các nốt phồng rộp màu đỏ hoặc màu tím.

Các mụn nước xuất hiện, vỡ ra có thể làm da ẩm ướt nhưng cũng là môi trường cực kỳ thuận lợi để virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nếu bệnh diễn biến nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau nhức cơ thể, sưng hạch bạch huyết (nách, bẹn, cổ).

Chàm chảy nước có những mụn nhỏ li ti

Chàm chảy nước có những mụn nhỏ li ti

Bệnh chàm nhiễm trùng (vi khuẩn, virus)

Chàm gây ra cảm giác ngứa nên người bệnh sẽ thường xuyên gãi, gây tổn thương lớp da của cơ thể. Lúc này, các vi khuẩn cơ hội đặc biệt là liên cầu hay tụ cầu vàng sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây viêm và nhiễm trùng da. Nếu trường hợp này không được xử lý có thể diễn biến nặng hơn thành nhiễm trùng huyết, gây đe dọa tính mạng.

Virus hay gây bệnh cho cơ thể người bệnh bị mắc chàm da là Herpes Simplex virus. Các triệu chứng hay gặp của biến chứng này là các nốt phồng rộp, lớp vảy cứng, có hiện tượng sốt cao (lớn hơn 38,5 độ C) và hạch to trong vài ngày. Cần phải điều trị kịp thời để tránh lây lan.

Bệnh chàm gây biến chứng ở mắt

Khi bệnh chàm nặng hơn sẽ gây nên những biến chứng cho mắt như đục thuỷ tinh thể, mí mắt dưới bị phù nề, sưng đỏ. Một số trường hợp khác, bệnh kích thích vào giác mạc gây thoái hoásuy yếu giác mạc.

6Chẩn đoán bệnh chàm

Khám lâm sàng (khám da liễu)

Chẩn đoán bệnh chàm là hoàn toàn dựa vào lâm sàng.

Dựa vào các tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình cũng như tiền sử tiếp xúc, xác định các yếu tố nguy cơ khiến dễ mắc bệnh chàm hơn.

Các đặc điểm của chàm có thể khó phân biệt với các bệnh khác. Tuy nhiên, có một số đặc điểm có thể giúp phân biệt như:

  • Bệnh vảy nến: mảng da đỏ, dày, ranh giới rõ, thường xuất hiện ở mặt gấp, có thể đi kèm các đặc điểm về móng tay khác như đốm dầu, vết rỗ trên móng tay.
  • Bệnh viêm da tiết bã thường ảnh hưởng nhiều nhất ở mặt.

Test dị ứng

Test dị ứng không giúp chẩn đoán xác định có phải bệnh chàm hay không. Tuy nhiên có thể giúp xác định được các yếu tố nguy cơ cao khiến cho cơ thể dị ứng, giúp người bệnh có thể có kế hoạch hạn chế tiếp xúc với những kháng nguyên này.

Test dị ứng để tìm những loại mà cơ thể dễ dị ứng

Test dị ứng để tìm những loại mà cơ thể dễ dị ứng

7Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Nếu da của bạn xuất hiện bất cứ tình trạng nào như nổi mụn nước, ngứa, mẩn đỏ, da tăng sắc tố, da dày nổi sần mà không hết theo thời gian thì bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để được thăm khám và điều trị.

Các bệnh viện da liễu hoặc bệnh viện có chuyên khoa da liễu

Bạn có thể tham khảo các bệnh viện chuyên khoa Da liễu hoặc khoa Da liễu của các bệnh viện đa khoa uy tín để được chẩn đoán và điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm.

  • Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Da liễu TP.HCM, Bệnh viện Gia An 115, Phòng khám Da liễu Sài Gòn…
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Da liễu Trung Ương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Khoa Dị ứng – Miễn dịch bệnh viện Bạch Mai…

8Cách điều trị bệnh chàm

Do chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh nên việc điều trị cũng khó có thể trị dứt điểm, các phương pháp điều trị hiện nay kiểm soát các triệu chứng và phòng tránh bệnh tái phát.

Chăm sóc hàng ngày

Các biện pháp chăm sóc tại nhà nên được thực hiện đều đặn để hỗ trợ điều trị tốt nhất.

  • Hạn chế tần suất và thời gian tắm rửa hằng ngày (chỉ nên tắm mỗi ngày 1 lần).
  • Nước tắm không được quá nóng hoặc lạnh.
  • Sử dụng các sản phẩm vệ sinh da phù hợp, tránh kích ứng. Tránh sử dụng các sản phẩm dầu gội và sữa tắm có nhiều kiềm.
  • Tránh cho vùng da tổn thương tiếp xúc với các chất tẩy rửa như xà phòng, bột giặt, nước rửa bát…
  • Dưỡng ẩm mỗi ngày, bôi kem dưỡng ẩm trong vòng 3 phút sau khi tắm xong.
  • Tránh chà xát mạnh vào da.
  • Mặc những bộ quần áo thoải mái, tránh quần áo bó sát hoặc quần áo chất liệu vải thô, cứng.
  • Nếu có thể nên tránh các hoạt động thể lực hoặc các hoạt động đổ mồ hôi quá nhiều.
  • Cắt móng tay để tránh làm trầy xước da.
  • Có thể sử dụng các sản phẩm tự nhiên như lô hội, dầu dừa để làm ẩm da.

Dưỡng ẩm da hàng ngày

Dưỡng ẩm da hàng ngày

Dùng thuốc

Kem mỡ và thuốc bôi corticoid: giúp giảm các triệu chứng ngứa của bệnh chàm. Thời gian sử dụng sản phẩm này là từ 1 – 2 tuần. Khi sử dụng các sản phẩm này cần tham khảo chỉ định của bác sĩ để sử dụng một cách thích hợp nhất.

Uống corticoid: nếu sử dụng kem không hiệu quả, các bác sĩ sẽ dùng corticoid đường toàn thân. Các sản phẩm này chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, tránh những tác dụng phụ không mong muốn của corticoid như teo da, giãn mạch, giảm bạch cầu, loãng xương…

Kháng sinh: khi có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn có thể sử dụng kháng sinh đường bôi và/hoặc đường uống.

Kem tacrolimus và pimecrolimus tại chỗ: có tác dụng ức chế calcineurin. Thuốc này có ít tác dụng phụ hơn các sản phẩm từ corticoid. Thuốc được sử dụng bôi quanh vùng da tổn thương 2 lần/ngày.

Thuốc kháng histamin: do chàm cũng là tình trạng dị ứng nên sử dụng thuốc này để giảm phản ứng dị ứng của cơ thể, đặc biệt là giảm triệu chứng ngứa của cơ thể.

Hạn chế tiếp xúc tác nhân có thể gây chàm bùng phát

Do là bệnh liên quan đến yếu tố miễn dịch nên có một số yếu tố có thể gây bùng phát chàm là:

  • Thực phẩm dễ gây kích ứng da.
  • Yếu tố phát tán trong không khí: phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc, bụi…
  • Các loài động vật, côn trùng, ký sinh trùng.
  • Các loại hoá chất được sử dụng trong công nghiệp và sinh hoạt.

9Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm

  • Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp: nên tránh các loại mỹ phẩm, xà phòng gây kích ứng da. Khi thử một loại sản phẩm mới nên dùng thử trong 24 giờ trên vùng da cánh tay, nếu không thấy kích ứng thì có thể sử dụng.
  • Nếu bạn có cơ địa nhạy cảm nên chú ý sử dụng những sản phẩm tránh kích ứng.
  • Khi ngứa, tránh gãi nhiều trên da. Có thể dùng túi chườm lạnh hoặc chườm đá lạnh để giảm triệu chứng ngứa.
  • Tránh xa các yếu tố có thể kích ứng da.
  • Chú ý dưỡng da.
  • Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể để tránh mất nước dẫn tới khô da.

Giảm ngứa bằng cách chườm đá lạnh, không nên gãi

Giảm ngứa bằng cách chườm đá lạnh, không nên gãi

Chàm là một bệnh hết sức phổ biến trong đời sống. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức cơ bản về bệnh này. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!