Ráy tai được chia thành hai loại: Ráy tai khô và ráy tai ướt, trong đó ráy tai khô phổ biến hơn cả ở người Việt Nam. Vậy ráy tai ướt màu vàng ở trẻ sơ sinh có phải tình trạng bất thường hay không? Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin để làm rõ hơn về vấn đề này.
Ráy tai là gì?
Ráy tai còn được biết dưới tên gọi là cerumen, ráy tai thực tế là một lớp chất tiết mỏng tích tụ trên da ống tai ngoài. Phần lớn các động vật có vú đều xuất hiện ráy tai. Ráy tai được tạo ra bằng hỗn hợp chất nhờn và các tế bào chết, mồ hôi và bụi bẩn.
Lớp nhung mao trên bề mặt của tế bào tuyến sẽ làm nhiệm vụ đẩy ray tai ra bên ngoài, sau đó ráy tai sẽ tự khô đi rồi bong tróc ra. Cơ chế này ở trẻ sơ sinh hay người lớn đều tương tự như nhau.
Ráy tai cũng có thể thay đổi tùy theo cơ địa, chủng tộc hay môi trường, lứa tuổi và chế độ sinh hoạt. Vì thế ráy tai khô hay ướt là phụ thuộc vào hoạt động của tuyến ráy tai ở từng người. Nhưng dù khô hay ướt thì ráy tai vẫn giữ vai trò giúp bảo vệ ống tai.
Vai trò của ráy tai
Đứng trên góc độ khoa học, ráy tai được tạo nên từ chất béo và cholesterol, nên ráy tai sẽ màu vàng vàng và hơi dính. Và mặc dù chỉ là một chất bài tiết của cơ thể, dái tai cũng có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe thông qua màu sắc của nó.
Ráy tai cũng đóng vai trò giống như một “vệ sĩ” giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi nấm tấn công vào các tổ chức bên trong của ống tai ngoài. Đồng thời giúp giảm thiểu sự đe dọa đến thính giác của con người. Cùng với đó, ráy tai chức năng “bôi trơn” giúp cho sóng âm thanh truyền đi dễ dàng. Ráy tai cũng ngăn ngừa một số côn trùng nhỏ không thể xâm nhập vào tai, tránh hiện tượng dị vật trong tai.
Ráy tai ướt màu vàng ở trẻ sơ sinh có cần thường xuyên làm sạch?
Như vậy, ở bé sơ sinh, nếu ráy tai chỉ đơn thuần hơi ướt và có màu vàng, còn lại không có dấu hiệu gì bất thường thì không có gì đáng ngại. Bản chất ráy tai cũng là một cơ chế làm sạch của ống tai chứ không phải chất bẩn ảnh hưởng đến vệ sinh tai.
Thực tế, khi trẻ ăn uống, xương hàm cử động sẽ khiến cho các lông mao trong ống tai sẽ chuyển động nhẹ nhàng theo hướng từ trong ra ngoài và đẩy ráy tai này ra ngoài gần lỗ tai. Ở đây, dưới tác động của không khí, ráy tai dần trở nên khô đi, bong ra khỏi tai và tự rơi ra khỏi tai.
Thường lỗ tai của các bé còn rất nhỏ cộng thêm các bé chưa thể nằm yên để mẹ vệ sinh tai nên nếu có loại bỏ ráy tai đôi khi lại khiến chúng đi sâu vào bên trong và gây tắc nghẽn lỗ tai. Nói chung các mẹ cũng không cần cố gắng lấy ráy tai liên tục có các bé.
Khi nào cần lấy ráy tai cho bé?
Tất nhiên, vẫn có những lúc ráy tai gây ra một vài phiến toái nho nhỏ và mẹ cần chú ý để loại bỏ chúng. Cụ thể:
- Khi ráy tai tích tụ quá nhiều, khiến trẻ khó chịu, ngứa tai và quấy khóc hoặc ráy tai ảnh hưởng đến quá trình thăm khám của bác sĩ.
- Ráy tai tắc nghẽn ở ống tai: Với các bé sơ sinh tốt nhất nếu mẹ không thể tự làm sạch thì có thể đưa bé đến gặp bác sĩ.
- Bé có ống tai ngoài quá nhỏ hoặc hình dáng khác thường khiến ráy tai khó thoát ra ngoài.
- Bé thường xuyên cố gắng đưa ngón tay vào ống tai.
Làm sạch ráy tai cho trẻ sơ sinh bằng cách nào?
Để có thể lấy ráy tai ướt ở trẻ sơ sinh không đau và an toàn mẹ chỉ nên làm theo cách sau:
Với các bé việc lấy ráy tai cần được làm hết sức nhẹ nhàng. Mẹ có thể dùng khăn bông mềm, thấm nhẹ xung quanh vành tay. Sau đó xoắn nhẹ khăn, từ từ đưa sâu vào trong tai và xoắn lại. Cách này sẽ giúp làm sạch các dịch nhờn trong tai lại không ảnh hưởng đến bé.
Nếu bé ngoan và chịu nằm yên, mẹ cũng có thể dùng tăm bông trẻ em để làm sạch. Tuy nhiên không phải bé nào cũng sẽ ngoan ngoãn hợp tác để mẹ làm sạch tai, mẹ có thể tìm mua các loại thuốc nhỏ tai và để ráy tai tự chảy ra ngoài.
Tuy nhiên, mẹ cũng nên nhớ không nên dùng tăm bông lau hàng ngày. Vì nhiều mẹ có thói quen vệ sinh tai cho con bằng tăm bông mỗi ngày sau khi tắm. Làm như vậy liên tục sẽ khiến ráy tai bị đẩy vào sâu hơn với bé có ráy tai khô. Vì thế, tốt nhất chỉ dùng tăm bông với bé có ráy tai ướt và dùng khi thật sự cần thiết.
Những dấu hiệu nào của ráy tai là bất thường?
Như đã nói ở đầu bài viết, ráy tai cũng là một cơ chế của cơ thể. Vì bé chưa thể nói cho mẹ biết sự khó chịu nên mẹ cần quan sát tai cho bé hàng ngày. Nếu ráy tai của bé xuất hiện những dấu hiệu sau, mẹ cần cho bé đi khám ngay.
- Ráy tai ướt và xuất hiện mùi hôi: Tai bé xuất hiện mùi hôi và ráy tai đôi khi chảy ra ngoài vành tai thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc viêm tai giữa. Tốt nhất mẹ nên cho bé đi kiểm tra ngay tại bệnh viện, tuyệt đối không được tự nhỏ thuốc hay cho bé dùng thuốc tại nhà.
- Ráy tai có dính máu khô: Nếu mẹ làm sạch tai cho bé mà có lẫn chút máu thì đây cũng là hiện tượng không được chủ quan. Có thể tai bé chỉ bị xây xát nhẹ nhưng cũng có thể là thủng màng nhĩ.
- Ráy tai ướt và có màu xanh: Ráy tai bình thường sẽ có màu hơi vàng, nhưng nếu ráy tai có màu xanh lá cây hay vàng đậm thì có thể bé đang bị nhiễm khuẩn tai. Trường hợp này tất nhiên mẹ cũng cần đưa bé đi khám ngay lập tức.
- Trẻ ốm và quấy khóc: Bé thường xuyên giật phần tai hoặc vành tai do khó chịu. Đồng thời nếu tai bị viêm sẽ khiến bé sốt, quấy khóc. Phần tai sưng đau làm bé khó chịu khi bú nên bé sẽ bỏ bú hoặc bú ít đi.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho tình trạng ráy tai ướt màu vàng ở trẻ sơ sinh mà Nhà Thuốc Long Châu gửi đến bạn đọc. Mẹ không cần quá lo nếu bé xuất hiện tình trạng này nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp